Home

Nguyễn Thanh Yên

Phản hồi trong diễn đàn đã được tạo

Đang xem 14 luồng phản hồi
  • Người viết
    Bài viết
    • #683
      Nguyễn Thanh Yên
      Quản trị
      • Topics : 16
      • Contributions : 54
      • Staff Contributor
      • ★★★★
    • #678
      Nguyễn Thanh Yên
      Quản trị
      • Topics : 16
      • Contributions : 54
      • Staff Contributor
      • ★★★★
      Up
      0
      Down
      ::

      5. Khuyến nghị cho chính sách.

      Nhà nước có thể “không làm gì” như thời gian vừa qua, vi mạch cơ bản vẫn ổn nhưng sẽ là công ty nào biết công ty đấy, thế hệ nào biết thế hệ đấy, việc tôi tôi làm việc anh anh làm, thích chém, thích nổ thì phi lên Cộng Đồng “ngáo” vi mạch tí rồi lại mờ mắt vẽ mạch, chạy sim, debug, chả sao cả. Nhưng để vi mạch trở thành một trong những đặc điểm nhận diện thương hiệu quốc gia, là ngành có đóng góp quan trọng vào GDP thì không thể thiếu vai trò của Nhà nước.

      Khi cả thế giới đã xong COVID rồi, chuyện thiếu hụt, đứt gãy chuỗi cung ứng chip đang được lãng quên nhanh như người ta quên COVID thì sự phát triển của vi mạch Việt Nam cơ bản mới chỉ thấy trên báo và tivi, anh chị em vi mạch cơ bản vẫn cứ đều đều thế, có một số cơ chế Quốc Hội duyệt cho t/p HCM rồi nhưng anh em vi mạch vẫn chả thấy ảnh hưởng gì.
      Vậy, sự vai trò của nhà nước trong việc này thực chất nên là gì? Rất nhiều người nói nhà nước chỉ nên đóng vai trò hỗ trợ. Đúng là thế, vậy nhà nước hỗ trợ ai? hay ai cũng hỗ trợ?

      Như những ý đã đề cập ở 4 bài trước, tất cả đều hội tụ ở yếu tố con người, mà cụ thể là khoảng 5000 kỹ sư mà chúng ta đang có. “Người làm” chính là 5000 kỹ sư, sẽ không có ông bụt nào hiện ra cả, nhà nước làm sao nổi, nhà trường cũng chỉ có thể làm đào tạo, cùng lắm là nghiên cứu, doanh nghiệp hơi đâu mà lo cho Việt Nam, vậy thì còn ai ngoài họ sẽ là người làm. Họ là đối tượng chính để Nhà nước hỗ trợ. Khi mà chúng ta cơ bản chưa có nền tảng gì đáng kể thì chiến lược của nhà nước nên là “5000 hoa đua nở.”

      Do đó khuyến nghị dưới góc độ quản lý nhà nước, chính phủ trước mắt nghiên cứu tập trung vào hai nhóm chính sách sau: (1) nhóm chính sách khuyến khích phát triển nguồn nhân lực kỹ sư thiết kế chip; và (2) nhóm chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp trong nước, hoặc khuyến khích doanh nghiệp trong nước liên doanh liên kết với các doanh nghiệp nước ngoài, cụ thể:

      – Chính sách ưu đãi giảm thuế thu nhập cá nhân để thúc đẩy việc thu hút kỹ sư, chuyên gia vi mạch ở lại Việt Nam làm việc. Trong khi mặt bằng chung thu nhập của kỹ sư ở Việt Nam còn rất khiêm tốn so với các nước thì thuế thu nhập cá nhân của chúng ta lại khá cao, điều này đang không hấp dẫn các kỹ sư có kinh nghiệm ở lại Việt Nam làm việc, cũng như không thu hút sinh viên theo học lĩnh vực bán dẫn. Việt Nam đang tạo ra bất lợi về chính sách trong cuộc đua thu hút các kỹ sư vi mạch có kinh nghiệm làm việc tại Việt Nam. Duy trì và phát triển được đông đảo đội ngũ kỹ sư có kinh nghiệm ở Việt Nam sẽ là chìa khóa then chốt để phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn trong thời gian tới.

      – Chính sách hỗ trợ bằng tiền chuyển trực tiếp hoặc khấu trừ thẳng vào các loại thuế doanh nghiệp phải đóng đối với các doanh nghiệp tham gia phối hợp với nhà trường trong các hoạt động đào tạo vi mạch. Ví dụ tham gia xây dựng xây dựng và giảng dạy các môn học thiết kế chế tạo vi mạch; cử kỹ sư đi học cao học, tiến sĩ; hỗ trợ cho sinh viên được trải nghiệm công việc dự án thực tế; hỗ trợ những hoạt động chế tạo thử; vv. – Đơn giản hóa thủ tục visa, thẻ cư trú đối với anh chị em kỹ sư chuyên gia đang làm việc trong lĩnh vực bán dẫn tại các nước Mỹ, Châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia, … khi tới làm việc ở Việt Nam.

      – Cụ thể hóa các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy tăng tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm điện tử, sao cho bất kể là các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư lĩnh vực vi mạch tại Việt Nam hay các doanh nghiệp ở Việt Nam đang hoạt động trực tiếp làm về lĩnh vực vi mạch và bất kế lớn hay nhỏ đều dễ dàng nhận được ưu đãi từ các chính sách thuế và hạ tầng của chính phủ. Việc này góp phần tạo ra nhu cầu tiêu dùng nội địa với các sản phẩm chip vi mạch thiết kế chế tạo sản xuất bởi kỹ sư Việt Nam ở Việt Nam. Chính sách này cũng sẽ thúc đẩy tính liên kết hợp tác giữa các tập đoàn doanh nghiệp tại Việt Nam, góp phần hình thành và phát triển hệ sinh thái phát triển các sản phẩm vi mạch trong nước.

      – Thành lập, bảo trợ hiệp hội công nghệ vi mạch bán dẫn Việt Nam nhằm tạo ra đầu mối thông tin nhất quán, chính thống, thuận tiện cho các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước mong muốn tìm hiểu đóng góp phát triển lĩnh vực vi mạch ở Việt Nam; đồng thời bổ sung, tham mưu hỗ trợ thực hiện chiến lược phát triển ngành bán dẫn.

      =============

      P/S: Giờ này tuần sau gần 70 anh chị em Cộng Đồng sẽ có mặt ở nơi đáng sống nhất Việt Nam để cùng nhau trao đổi về việc Cộng Đồng có thể làm gì để thúc đẩy tăng trưởng nguồn nhân lực, hỗ trợ sản phẩm chip Việt và một số gợi ý cho Đà Nẵng. Loạt 5 bài viết cũng tới bài cuối, chúc offline Cộng Đồng thành công, ngày càng có thêm nhiều đóng góp ý nghĩa cho sự phát triển của lĩnh vực vi mạch ở Việt Nam.

    • #675
      Nguyễn Thanh Yên
      Quản trị
      • Topics : 16
      • Contributions : 54
      • Staff Contributor
      • ★★★★
      Up
      0
      Down
      ::

      4. Khuyến nghị cho đào tạo

      Ứng dụng trí tuệ nhân tạo, xe thông minh, nhà máy thông minh, cá nhân hóa, vv. đang làm thay đổi các mô hình kinh doanh truyền thống và sẽ là những động cơ mới thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực bán dẫn. Các con chip sẽ ngày càng phức tạp kéo theo nhu cầu về nhân lực trong ngành này sẽ tiếp tục tăng ở quy mô toàn cầu. Quan sát lịch sử, chúng ta có thể nói khởi nguồn ngành này là từ Mỹ, sau đó chuyển dịch tới Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan. Nắm trong tay yếu tố độ tuổi vàng của dân số và chi phí vốn (nhân công) còn khá hợp lý, có thể nói thứ mà Việt Nam có thể đóng góp khi tham gia sân chơi bán dẫn hiện nay chính là nguồn nhân lực.

      Nhưng như đã đề cập ở các bài trước, nguồn nhân lực trong lĩnh vực này phải được trang bị những kiến thức nền tảng cần thiết, hay nói cách khác là cần phải qua “đào tạo” thì mới có thể tham gia được. “Đào tạo luôn cần đi trước một bước” câu nói kinh điển này đặt trong bối cảnh “đào tạo” đang được ví như là một lĩnh vực kinh doanh khi mà học sinh là khách hàng còn nhà trường là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đào tạo thì trước khi bước, chúng ta cần làm rõ các câu hỏi đại loại như: Đào tạo cái gì? Đào tạo bao nhiêu? Đào tạo trong bao lâu? Đào tạo như thế nào? Và ai là người đào tạo? vv.

      Để làm đề dẫn đề cho câu chuyện đào tạo, chúng ta thử mượn hình ảnh binh đao khói lửa như sau. Một dự án cơ bản có thể ví như một trận chiến, các kỹ sư được lựa chọn tham gia dự án sẽ là những người lính hàng ngày phải chiến đấu với kẻ thù là những thách thức kỹ thuật. Nếu một đội hình chỉ toàn là tân binh thì không phải nói thêm chúng ta cũng biết trước kết quả trận đánh đó thế nào (bị thương, hy sinh không ít.) Đặc thù dự án chip mà thua là nhiều khi xóa sổ cả phiên hiệu công ty luôn, do đó nếu chúng ta không dày dạn kinh nghiệm trận mạc, chưa từng lập chiến công, sẽ rất khó được lựa chọn cho những trận đánh.

      Bằng phát minh sáng chế có thể coi như một huân chương chiến công của người kỹ sư; tờ giấy ghi nhận biểu dương đóng góp có thể coi như bằng khen chiến sỹ thi đua; có bài báo trình bày trong các hội nghị, hội thảo chuyên ngành, nhiệt tình giải bài toán khó được đông đảo đồng nghiệp trong và ngoài tổ chức ghi nhận là giỏi, quái nhân, cũng là một loại huy chương, vv. Với đại đa số những người lính, quan trọng nhất là làm sao không bị hy sinh sau mỗi trận chiến chứ ít ai để ý tới những tấm huân huy chương hay bằng khen sau đó nhưng có những tâm huân huy chương đó thì chả cần nói nhiều ai cũng sẽ biết bạn là lính chiến thực thụ.

      Đứng từ phía doanh nghiệp, chúng ta có thể tạm chia làm hai nhu cầu: Nhu cầu tuyển kỹ sư có kinh nghiệm (lính chiến dày dạn trận mạc,) việc này là do nhu cầu các dự án cấp bách cần người làm được vào làm ngay; và nhu cầu tuyển kỹ sư mới ra trường hàng năm (tân binh,) đây là nhu cầu cho chiến lược phát triển lớn mạnh trong dài hạn của doanh nghiệp.

      Đứng ở khía cạnh nhà trường, các cơ sở đào tạo chúng ta chỉ có thể phục vụ nhu cầu tạo ra tân binh theo nhu cầu của doanh nghiệp chứ liệu đã có nhà trường nào tạo ra ngay chiến binh dày dạn kinh nghiệm trận mạc? Vai trò của đào tạo là “vai trò hỗ trợ” chứ không thể thay thế được vai trò của công ty trong việc tăng trưởng số lượng kỹ sư.

      Tuy khách hàng chính của đào tạo là các bạn sinh viên nhưng doanh nghiệp là đối tác vô cùng quan trọng giúp đào tạo có thể đẩy nhanh quá trình trưởng thành của tân binh sau khi ra trường. Do đó, khuyến nghị đầu tiên cho đào tạo là hết sức chú ý củng cố kiến thức nền tảng định hướng vi mạch cho học sinh sinh viên.

      Về cơ bản sách giáo khoa thì ở đâu cũng thế không có chuyện kiến thức sách giáo khoa ở Mỹ hơn kiến thức sách giáo khoa ở Việt Nam, nhưng khác nhau là ở chỗ tương tác với sách giáo khoa như thế nào. Tự kiểm điểm bản thân và quan sát các bạn sinh viên nhiều năm cho thấy có thể do Thầy Cô giáo và cả bản thân người học hơi lười làm bài tập cuối mỗi chương, chỉ chăm chăm đọc để hiểu/nắm được nội dung (rồi cũng nhanh chóng quên.) Sau ra trường đi làm thì hì hục phi vào vẽ mạch/code, chạy mô phỏng rồi chỉnh mạch, code sao cho waveform ra đúng spec. Trong khi đó nếu là một kỹ sư ở Mỹ hay ở những nước phát triển thì họ có thói quen là tính toán viết ra giấy trước khi bắt tay vào vẽ mạch/code.

      Có thể do ngày xưa phần mềm không tiện như bây giờ, chạy mô phỏng lâu nên họ hình thành thói quen đó. Nhưng một sự thật là nếu một bạn sinh viên chịu khó cày bài tập thì khi trả lời phỏng vấn sẽ có nhiều nội dung và tự tin hơn khá nhiều so với bạn ít làm bài tập sách giáo khoa. Vậy nên nếu các Thầy/Cô giáo chỉ cần kiên trì nghiêm khắc giao bài tập trong sách giáo khoa và nghiêm túc kiểm tra đối với việc học sinh, sinh viên có làm những bài tập đấy không thì chúng ta sẽ có những thế hệ kỹ sư nắm rất căn cơ về kiến thức nền tảng. Càng đổ nhiều mồ hôi ở thao trường bao nhiêu thì càng ít đổ máu ở chiến trường bấy nhiêu.

      Khuyến nghị thứ hai là bắt tay với doanh nghiệp (càng nhiều càng tốt) trong đào tạo các môn học định hướng vi mạch, qua đó các bạn sinh viên sẽ được làm quen, biết cách sử dụng phần mềm, công cụ chuyên dụng (sử dụng thành thạo vũ khí) và có cơ hội tương tác với nhà tuyển dụng tương lai (giao lưu cọ sát với chỉ huy, tăng tỷ lệ được tuyển dụng.)

      Tuy có thể nói khoảng 5000 kỹ sư vi mạch hiện đang đóng vai trò như mỏ neo lưu giữ các công ty tên tuổi ở lại Việt Nam. Nhưng có thể tạm hiểu chúng ta đang là những đội quân đánh thuê riêng lẻ, trưởng thành qua các chiến trường khác nhau và quan trọng nhất liệu có khi nào chúng ta tự hỏi 5000 kỹ sư đang có này, có cần đào tạo thêm?

      Mỗi năm Việt Nam có nửa triệu học sinh đăng ký học Đại Học, sinh viên tốt nghiệp các chương trình đào tạo về điện, điện tử, kỹ thuật máy tính, vật lý kỹ thuật, … ra trường là vô cùng nhiều, chỉ với một động tác tăng lương kỹ sư mới ra trường lên 20 triệu/tháng chẳng hạn là các doanh nghiệp sẽ tha hồ lựa chọn các bạn sinh viên giỏi. Trường giang sóng sau xô sóng trước, với đặc thù là những đội quân đánh thuê nếu không có gì thay đổi thì lứa các bạn trẻ sẽ rất nhanh thay thế lứa “các lính cựu già nua chậm chạp.”

      Khuyến nghị thứ ba cho đào tạo chính là các chương trình huấn luyện nâng cao năng lực, hoặc bay chuyển hệ cho chính đội ngũ 5000 kỹ sư đang có. Nếu Việt Nam có chính sách đột phá, khuyến khích các công ty cử “lính cựu” đi học, đi bồi dưỡng tập huấn, vv. thì khi những người lính với kinh nghiệm trận mạc, đương đầu với những bài toán cụ thể hóc búa của doanh nghiệp trong không khí của môi trường học thuật sẽ rất có thể chúng ta sẽ nâng tầm được đội ngũ kỹ sư Việt Nam đang có. Vấn đề là liệu viễn cảnh đó có chút gì gọi là tính thực tế? 5000 kỹ sư có muốn đi học thêm? Công ty có sẵn sàng cử người đi học? Cơ sở đào tạo có sẵn sàng nhận đào tạo đội ngũ này?

      Châu Á là nơi định hình lĩnh vực này trong tương lai xét ở khía cạnh thị trường người mua hàng cuối và lợi thế chi phí vốn bỏ ra. Việt Nam nằm ở vị trí rất thuận lợi của Châu Á, đã xuất hiện những công ty, tập đoàn lớn quyết định đặt trung tâm nguồn lực quan trọng ở Việt Nam, kỹ sư người Việt/gốc Việt nắm những vị trí có thể tác động được tới chính sách của công ty, một điều chắc chắn có thể thử làm được nữa là đào tạo chủ động bắt tay, phối hợp, hỗ trợ, thúc đẩy và tận dụng các chương trình đào tạo nội bộ của chính các doanh nghiệp đang hoạt động ở Việt Nam.

    • #673
      Nguyễn Thanh Yên
      Quản trị
      • Topics : 16
      • Contributions : 54
      • Staff Contributor
      • ★★★★
      Up
      1
      Down
      ::

      3: Lĩnh vực sản xuất vi mạch ở Việt Nam.

      Lĩnh vực sản xuất vi mạch có thể tạm chia ra làm hai công đoạn: (1) Tất cả mọi thứ liên quan tới việc “đúc hàng loạt” chip lên tấm wafer; (2) Tất cả mọi thứ liên quan tới việc mài, cắt, kiểm tra, đóng gói thành hàng loạt các con chip riêng lẻ từ tấm wafer thành phẩm ở cộng đoạn #1 được kể đến ở trên.

      Chip là một sản phẩm có độ phức tạp cao nên quy trình sản xuất với các máy móc trong nhà máy là cũng vô cùng phức tạp, điều này đòi hỏi nhân viên làm việc trong nhà máy cũng phải có “trình độ”, có “hiểu biết” nhất định thì mới làm được. Ở công đoạn thiết kế chip thì cơ bản là anh chị em cần có kiến thức nền tảng thuộc nhóm ngành điện, điện tử, kỹ thuật máy tính, vật lý bán dẫn, … Ở cộng đoạn nhà máy thì anh chị em cần kiến thức nền tảng đa dạng hơn nhiều, ví dụ như hiểu về vật liệu, hóa chất sử dụng trong nhà máy; hiểu về các nguyên lý quang học, nguyên lý truyền nhiệt, vật lý chất rắn, cơ cấu cơ khí chính xác, phần mềm tự động hóa của các máy móc trong nhà máy; hiểu về kiểm soát hệ thống điện, nước, không khí, thông tin liên lạc trong nhà máy; hiểu về quy trình đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ; hiểu về toán ứng dụng, mô hình xác suất thống kê; thậm chí cả theo dõi, đo đạc chất lượng môi trường, vv.

      Các “phản ứng thái quá” từ một số chính phủ thời gian qua (khuyến khích ưu đãi đặc biệt cho việc xây dựng mới nhà máy hoặc chuyển dịch vị trí đặt nhà máy nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng) đã mang đến cơ hội cho Việt Nam như một ứng cử viên tiềm năng cho các hãng tới để đặt nhà máy. Tuy nhiên nhà máy có yêu cầu chi phí vốn rất lớn nên các hãng tìm hiểu, cân nhắc tính toán rất kỹ và cụ thể trước khi quyết định đầu tư.

      Tại Việt Nam, các nhà máy liên quan tới sản xuất vi mạch có thể kể tới là: Intel, On Semi, Hana Mircron, Amkor, gần đây chúng ta nghe nói nhà máy Samsung ở Việt Nam có ý định mở thêm mảng đóng gói chip. Các công ty kể trên đều thuộc công đoạn sau khi hoàn thành việc đúc hàng loạt chip lên tấm wafer. Tuy máy móc, quy trình sản xuất sử dụng trong các nhà máy này thuộc nhóm #2, có độ phức tạp không cao như trong nhà máy thuộc nhóm thứ #1, nhưng đây đều là công ty có vốn đầu tư trực tiếp ở nước ngoài, các công nghệ/thiết kế thân vỏ, chương trình/quy trình kiểm tra, … đã được nghiên cứu phát triển ở nước ngoài, nhân viên trong các nhà máy ở Việt Nam có vai trò thực thi, tổng hợp và báo cáo. Nghĩa là, nhân lực chất lượng cao nắm vai trò chủ đạo, làm chủ trong chuỗi giá trị của nhà máy nói chung chưa sẵn sàng ở Việt Nam. Các công ty Việt Nam chưa tham gia được vào hệ sinh thái đóng gói chip bán dẫn. Hay nói cách khác, trong lĩnh vực nhà máy, Việt Nam chưa có nền tảng gì đáng kể. Đây là một bất lợi khá lớn của Việt Nam trong việc kêu gọi các hãng sang đầu tư mở nhà máy ở Việt Nam. Nhưng suy nghĩ một cách tích cực thì nếu có công ty/hãng nào quyết định đầu tư mở nhà máy ở Việt Nam nghĩa là họ ấp ủ các kế hoạch hợp tác trong dài hạn chứ không phải chỉ nhằm mục đích giải quyết vấn đề trong ngắn hạn.

      Tóm lại, thị trường việc làm trong nước cho mảng nhà máy hiện đang chưa có nhiều tín hiệu tích cực, bạn nào bây giờ quyết định học để sau này ra trường đi làm tiềm ẩn rủi ro cao nhưng nó cũng đồng nghĩa với việc bạn có thể sẽ gặt hái được thành quả cao. Số lượng nhà máy mới đang xây trên thế giới là vô cùng nhiều, một nhà máy đưa vào vận hành sẽ kéo theo rất nhiều “nhà máy con trong hệ sinh thái” nên cơ hội việc làm cho những người trẻ không ngại xê dịch là đương nhiên, đòi hỏi các bạn không chỉ nỗ lực, quyết tâm, kiên trì học tốt mà còn phải quan sát nhiều, tìm kiếm nhiều, và cần nhanh nhạy tranh thủ nắm bắt mọi cơ hội để thử sức chiến đấu trên sân chơi toàn cầu chứ không chỉ ở sân chơi trong nước. Có một điều chắc chắn là các bạn sẽ không “cô đơn,” cách đây quãng 10-15 năm đã có một thế hệ thanh niên hăm hở lên đường nắm bắt cơ hội nhà máy Intel đem lại, các bạn “bí” có thể liên lạc học hỏi thêm các anh chị đấy. Cuối cùng học gì thì học, đã bỏ tiền ra học thì phải học cho mình chứ không phải là học để cho một ông “bụt” nào đó sẽ hiện ra rồi đưa cho mình một công việc như ý nguyện.

    • #671
      Nguyễn Thanh Yên
      Quản trị
      • Topics : 16
      • Contributions : 54
      • Staff Contributor
      • ★★★★
      Up
      1
      Down
      ::

      2: Thực chất tình trạng khó tuyển dụng nhân sự kỹ sư thiết kế chip ở Việt Nam.

      Mỗi doanh nghiệp đều có những “nguyên tắc, cách thức làm việc” khác nhau, một nhân viên mới tuyển dụng bao giờ cũng phải trải qua chương trình huấn luyện để làm quen. Đối với kỹ sư thiết kế chip thời gian này thường là khoảng 3 tháng theo hình thức đào tạo tại chỗ, trực tiếp dựa trên công việc thực tế (“on-job training”,) tuy nhiên ở Việt nam do nhiều yếu tố cả khách quan và chủ quan (quy mô công ty, mô hình kinh doanh, đặc thù khách hàng, đối tác, thói quen học tập, làm việc, trình độ ngoại ngữ, vv.) mà các bạn sinh viên mới ra trường sẽ cần nhiều hơn thời gian 3 tháng. Tiếp đến, khi một bạn sinh viên mới ra trường được làm việc cho dự án đầu tiên, thường chỉ là để học việc, quan sát và thực thi theo những hướng dẫn cụ thể của các kỹ sư có kinh nghiệm hơn. Trong quá trình đó, nếu các kỹ sư có kinh nghiệm nhận thấy bạn ấy khá thành thạo rồi thì dự án tiếp theo bạn ấy sẽ được gợi ý làm nhiều việc hơn, dần dần bạn ấy sẽ có được khả năng tự chủ trong công việc mà không cần nhiều sự kèm cặp từ kỹ sư có kinh nghiệm hơn nữa. Từ phía doanh nghiệp, việc đánh giá mức độ trưởng thành của một bạn kỹ sư thường nằm ở việc bạn ấy đã tham gia bao nhiêu dự án làm ra chip (được đem đi tape-out.) Thông thường thời gian cho mỗi dự án là khoảng 1 năm. Do đó, rất khó tìm được trường hợp công ty tin tưởng giao công việc chính, quan trọng cho kỹ sư 1-2 năm kinh nghiệm. Kỹ sư tạm gọi là có kinh nghiệm thường là những bạn đã làm việc được 3-5 năm.

      Như bài trước có đề cập lương trung bình khi mới ra trường cho kỹ sư khối ngành kỹ thuật của Việt Nam khá thấp, gần đây có tăng nhưng vẫn thấp, ngay cả với công ty chịu chơi thì cũng ở khoảng 10,000 USD/năm. Nếu tỷ lệ tăng trung bình 25%/năm thì phải tới 5 năm sau mới đạt mức khoảng 30,000 USD/năm, mức này là mức bằng với lương của kỹ sư mới ra trường ở các nước có ngành vi mạch phát triển. Vậy nên, một công ty mới tham gia thị trường Việt Nam, thông thường họ sẽ có nhu cầu tuyển dụng kỹ sư có kinh nghiệm thay vì tuyển dụng kỹ sư mới ra trường, vừa không mất công huấn luyện lâu trong khi chi phí lương vẫn còn hợp lý chán.

      Theo thống kê của Cộng đồng vi mạch Việt Nam, chúng ta đang có khoảng 5,000 kỹ sư thiết kế chip, trong đó số lượng công ty có từ 300 kỹ sư trở lên chỉ khoảng 5 công ty và số lượng kỹ sư của các công ty này đang chiếm một nửa trong tổng số 5000 kỹ sư.

      Tham khảo thêm thông tin ở đây: https://congdongvimach.vn/en_us/forums/topic/thong-ke-so-luong-ky-su/ cho thấy khoảng 30 công ty là các công ty có quy mô nhân sự trung bình chưa tới 100 kỹ sư.

      Bởi vì phần lớn các công ty trên thị trường đang sở hữu số lượng kỹ sư dưới 100 kỹ sư, đây không phải là con số quá lớn để các công ty này chấp nhận để mất các kỹ sư có kinh nghiệm của mình một cách dễ dàng vào tay các đối thủ cạnh tranh. Do đó một công ty mới vào nếu có mong muốn tuyển dụng được ngay 20 kỹ sư có kinh nghiệm từ thị trường là khá khó khăn.

      Ngoài ra, với các công ty có quy mô dưới 100 nhân sự, sẽ không nhiều các công ty có kế hoạch dài hạn tuyển dụng số lượng lớn sinh viên mới ra trường hàng năm. Với các công ty quy mô nhân sự lớn hơn, họ thường nhiệt tình hơn trong việc tuyển dụng sinh viên mới ra trường hàng năm nhưng sau một thời gian họ nhận ra mình huấn luyện rồi công ty khác lại tuyển dụng mất nên họ cũng dần thu hẹp lại quy mô tuyển dụng sinh viên mới ra trường hàng năm. Trong một thời gian dài, VN hầu như không có một khuyến khích hay chính sách ưu đãi nào cho các công ty nhiệt tình trong việc tuyển sinh viên mới ra trường.

      Tóm lại, chúng ta rất có thể đang đối mặt với tình trạng bão hòa ở con số 5,000 kỹ sư như hiện tại. Hay nói cách khác, vấn đề thực chất của hiện tượng khó tuyển dụng nhân sự thiết kế chip ở Việt Nam hiện nay là việc các công ty không mặn mà trong việc tăng cường tuyển sinh viên mới ra trường hàng năm.

    • #668
      Nguyễn Thanh Yên
      Quản trị
      • Topics : 16
      • Contributions : 54
      • Staff Contributor
      • ★★★★
      Up
      1
      Down
      ::

      1. Tóm tắt đặc điểm nhân sự kỹ sư thiết kế chip tại Việt Nam.

      – Hơn 20 năm trước, khi các hãng thiết kế chip mở văn phòng ở VN (ông Trịnh Xuân Lạc với công ty Next Level Communications, sau này là Arrive; hay ông Duy Tan với công ty SDS, sau này là eSilicon và hiện nay là Synopsys; ông Steven Huỳnh với công ty Active-Semi Việt Nam và hiện là công ty Qorvo Việt Nam, Renesas, AMCC, vv.),  thì trên thị trường chưa có kỹ sư thiết kế chip. Các công ty làm việc với các trường đại học giới thiệu về công việc thiết kế chip tới sinh viên các ngành điện tử, kỹ thuật máy tính, vật lý kỹ thuật, vv. Các bạn sinh viên có kiến thức nền tảng về linh kiện điện tử, hiểu nguyên lý hoạt động mạch điện, hiểu kiến trúc máy tính sẽ bắt đầu được đào tạo thêm về ngôn ngữ mô tả phần cứng, phần mềm thiết kế chip, các thiết bị hỗ trợ và quy trình tổng quan thiết kế chip. Sau đó các bạn được lựa chọn sẽ được tham gia các dự án thiết kế chip, vừa làm vừa trưởng thành lên.

      Lưu ý #1: Hiện tại, gần như toàn bộ các công ty là công ty nước ngoài, tính “ownership” của sản phẩm là của các “ông chủ” người nước ngoài, kỹ sư Việt Nam được tham gia như một thành viên trong đội dự án nên kỹ sư VN chỉ tham gia vào việc phát triển chứ kỹ sư VN chưa được tham gia vào việc ra bài toán thiết kế.

      – Cũng hơn 20 năm trước, VN chưa hề có chương trình đào tạo bán dẫn nhưng vẫn phát triển được một đội ngũ kỹ sư thiết kế chip, chủ yếu là do lợi thế về giá. Đơn cử, lương kỹ sư mới ra trường ở VN hiện nay loanh quanh 10K USD/năm trong khi lương kỹ sư mới ra trường ở các nước xung quanh khoảng 30K USD/năm. Giả sử VN tăng đều 25%/năm thì lương kỹ sư 5 năm kinh nghiệm ở VN mới bằng lương kỹ sư mới ra trường ở các nước khác.

      Lưu ý #2: Ngày càng nhiều công ty sang VN mở văn phòng thuê kỹ sư, nhưng bản chất công việc vẫn không thay đổi, chúng ta vẫn không phải là ngưởi chủ của con chip mà vẫn chỉ là tham gia trong một hoặc nhiều công đoạn. Và vì “họ” tới do chúng ta có lợi thế về chi phí vốn nên trình độ kỹ thuật của kỹ sư thiết kế chip Việt Nam cũng sẽ bị hạn chế ở một mức độ nhất định.

      – ICDREC có thể coi là nơi mà các kỹ sư VN làm chủ con chip nhưng rất tiếc ICDREC lại không vận hành như một doanh nghiệp thương mại nên có thể nói con chip của ICDREC như là sản phẩm đầu ra của các chương trình nghiên cứu tài trợ bởi nhà nước hơn là sản phẩm đầu ra của doanh nghiệp kinh doanh thực thụ. Do đó, lực lượng này cũng chưa có được nhiều kinh nghiệm thực tế về việc bán được rộng rãi con chip ra thị trường. Gần đây có thêm Viettel, FPT, Hyphen Deux, Infrasen, tham gia trong việc làm chủ các con chip nhưng để các doanh nghiệp đó chạm mốc bán ra 1 tỷ chip vẫn còn một chặng đường rất dài ở phía trước.

      Lưu ý #3: Tuy rằng mức độ thực thi hiện nay của các kỹ sư VN cũng đã được minh chứng ở trong các dự án thiết kế SoC với độ phức tạp cao cho những tính toán quy mô vô cùng lớn, và sử dụng tiến trình công nghệ tiên tiến 5nm. Nhưng cần thêm thời gian để chip Việt xác lập được chỗ đứng vững vàng, điều này đồng nghĩa với việc kỹ sư Việt Nam hiện vẫn chưa thực sự trưởng thành nếu xét ở  góc độ ownership.

      Tóm lại, hầu hết các công ty tuyển kỹ sư Việt nam, tuy tham gia vào khâu thiết kế chip nhưng chủ yếu là để thực thi chứ không có yêu cầu cao về tính sáng tạo (bằng sáng chế.) Kỹ sư VN gần như bị tách biệt với hệ sinh thái nghiên cứu, phát triển cải tiến sản phẩm mới, ít có cơ hội được tìm hiểu xu thế nhu cầu thị trường, nghiên cứu về kiến trúc bóng bán dẫn, vv. , nếu có thì cũng là “tự tìm hiểu” chứ hầu như không có cơ hội trải nghiệm thực tế. So với kỹ sư ở các nước tiên tiến phát triển, kỹ sư VN đang bị thua thiệt rất lớn về kiến thức nền tảng công nghệ, nghiên cứu xu thế thị trường, vv. , những kiến thức này không thể bù đắp trong ngắn hạn.

    • #666
      Nguyễn Thanh Yên
      Quản trị
      • Topics : 16
      • Contributions : 54
      • Staff Contributor
      • ★★★★
      Up
      3
      Down
      ::

      Tuy có rất nhiều loại chip, nhưng thiết kế vi mạch có thể được phân chia thành hai nhánh chính là: thiết kế mạch số (digital SoC) và thiết kế mạch tương tự (analog mixed-signal). Bài viết này đề cập các kiến thức cần thiết trong lĩnh vực thiết kế mạch số từ đó các bạn sinh viên có thêm thông tin để biết bản thân có phù hợp với hướng thiết kế mạch số hay không. Các kiến thức này có thể được dạy trong chuyên nghành hẹp hoặc được dạy rải rác trong các môn học được liệt kê ở bài viết trước. Tuy nhiên chúng tôi khuyến khích các bạn có thể tận dụng chính bài khóa luận và thời gian thực tập tốt nghiệp của mình để hệ thống lại và trang bị đủ kiến thức cần thiết cho mảng vi mạch số này trước khi xin vào làm cho các công ty. Kiến thức cần thiết là ở mức hiểu, nắm vững các khái niệm, nếu có cơ hội biết sử dụng phần mềm thì càng tốt nhưng không bắt buộc.
      ————-
      (2) Nhóm kiến thức chung cho thiết kế mạch số
      – Kiến thức về chip SoC: định nghĩa, vai trò, cấu trúc và các thành phần cơ bản của một chip SoC. Đối với phần này, hiểu chức năng và hoạt động của các thành phần trong một chip SoC như PLL, CPU, Bus, RAM, ADC, DAC, UART, SPI, … là yêu cầu quan trọng. Mục tiêu chính của phần này không phải là tìm hiểu sâu về tất cả các thành phần trong SoC mà chỉ cần biết khái niệm các khối chức năng thông dụng.
      – Kiến thức về vi điều khiển và vi xử lý: vì các chip SoC hiện nay đều có lõi vi xử lý bên trong nên kiến thức này thường liên quan đến khá nhiều vị trí làm việc khác nhau trong lĩnh vực vi mạch. Hiểu được cấu trúc, hoạt động và vai trò của vi xử lý trong hệ thống, giúp bạn có cái nhìn tổng quan tốt về các chip Soc.
      – Kiến thức về bus hệ thống (system bus): đây cũng là một thành phần luôn có trong các chip SoC hiện nay. Với vai trò vận chuyển dữ liệu bên trong chip, bus hệ thống kết nối các thành phần chức năng bên trong chip và ảnh hưởng lớn đến hiệu quả xử lý của một chip SoC.

      (3) Nhóm kiến thức danh cho kỹ sư thiết kế RTL (thiết kế số)
      – Cấu trúc và chức năng của các mạch loại mạch số thường dùng như encoder, decoder, MUX, DE-MUX, mạch đếm, mạch cộng, mạch nhân, FIFO, LIFO, mạch đồng bộ, mạch phát hiện cạnh, …
      – Kiến thức về ngôn ngữ mô tả phần cứng Verilog, System Verilog, VHDL để đọc hiểu và mô tả RTL code.
      – Các kỹ thuật thiết kế như thiết kế đồng bộ, thiết kế bất đồng bộ, thiết kế nhiều miền xung clock, thiết kế tần số cao, thiết kế công suất thấp, …

      (4) Nhóm kiến thức danh cho kỹ sư kiểm tra thiết kế số (RTL Design Verification)
      – Kiến thức về các phương pháp kiểm tra thiết kế như phương pháp mô phỏng (simulation) hay kiểm tra formal (formal verification)
      – Ngôn ngữ dùng trong mô phỏng System Verilog, SystemC, C/C++, assemply, … để xây dựng môi trường mô phỏng và tạo các mẫu kiểm tra (testcase).
      – Kiến thức về các phương pháp mô phỏng như OVM, VMM, hay UVM. Phương pháp mô phỏng UVM (Universal Verification Methodology) là phương pháp mới nhất và đang ngày càng phổ biến nhất. Thư viện UVM được xây dựng trên ngôn ngữ System Verilog.
      – Kiến thức về VIP (Verification IP), VIP là những mô hình mô phỏng được xây dựng sẵn bởi nhiều nhà cung cấp khác nhau hoặc bởi chính kỹ sư mô phỏng để hỗ trợ kiểm tra thiết kế nhanh chóng.
      – Kiến thức về phần mềm mô phỏng, kiểm tra; gỡ lỗi (debugging) và phân tích dạng sóng (waveform) là kỹ năng không thể thiếu cho cả kỹ sư thiết kế và kiểm tra.

      (5) Nhóm kiến thức dành cho kỹ sư thiết kế vật lý (RTL2GDS)
      Thiết kế vật lý (back-end) là quá trình xây dựng kích thước hình học của các phần tử riêng biệt, vật liệu và cách bố trí của chúng với nhau (Netlist), do đó tìm hiểu trang bị cho mình hệ thống kiến thức nền tảng về quá trình sản xuất wafer (từ cát tới chip) ngay từ khi còn trên ghế nhà trường sẽ rất hữu ích cho các bạn có mong muốn trở thành kỹ sư thiết kế vật lý sau này. IC số có quy mô vô cùng lớn từ hàng trăm triệu tới hàng tỷ phần tử do đó thiết kế vật lý chip số dựa trên sự bố trí tự động từ những bộ phận riêng biệt được tiêu chuẩn hóa (standard cell) và tuần tự tuân theo các bước với các yêu cầu tối ưu (design constraints) về diện tích, chiều dài dây nối tín hiệu, mật độ công suất tiêu thụ, phân bố đường clock (xung nhịp), vv…Hiểu rõ quy trình các bước thiết kế vật lý như floor planning, power planning, placement, clock tree synthesis, routing và signoff sẽ giúp người kỹ sư điểu khiển thành thạo được phần mềm hỗ trợ thiết kế cho ra kết quả tối ưu nhất như ý muốn.
      – Kiến thức về thư viện công nghệ (technology library): Mỗi xưởng đúc (wafer fab) đều sở hữu đặc điểm kỹ thuật theo công nghệ riêng biệt, thư viện công nghệ được cung cấp để chứa những thông tin về các đặc điểm vật lý và đặc tính điện của các phần tử, lớp vật liệu cũng như các quy tắc (rule) riêng theo từng công nghệ để người kỹ sư thiết kế sử dụng.
      – Kiến thức về phân tích timing tĩnh (STA – Static Timing Analysis): STA là phương pháp xác định sự hợp lệ các ràng buộc tối ưu nhất về timing của thiết kế (timing met) bằng cách tính toán và đánh giá thời gian tất cả các đường đi của dữ liệu trong thiết kế so với thời điểm thay đổi xung clock trong các trường hợp xấu nhất xem có vi phạm điều kiện timing cụ thể của mỗi công nghệ được sử dụng cho thiết kế. Tĩnh có ý nghĩa là tính toán mang tĩnh thống kê từ cơ sở dữ liệu ở mỗi bước thiết kế chứ không cần phải chạy mô phỏng theo miền thời gian. Các loại kiểm tra timing cơ bản gồm: kiểm tra setup; kiểm tra hold; kiểm tra data-to-data; kiểm tra recovery và kiểm tra removal.
      – Kiến thức về DFT (Design For Test): Ngay cả khi kỹ sư thiết kế có thể đảm bảo thiết kế không có lỗi bằng các kết quả mô phỏng đang tin cậy thì cũng không thể đảm bảo quá trình sản xuất (fabrication) không có thêm bất cứ sai hỏng nào. Việc có thể kiểm tra chip có sai hỏng trong quá trình sản xuất một cách nhanh chóng và chính xác có ý nghĩa rất lớn trong toàn bộ quá trình đưa sản phẩm chip vi mạch ra thị trường. Các lỗi thường gặp là: stuck-at-0, s-a-0; stuck-at-1, s-a-1; ngắn mạch (short), hở mạch (open). DFT là kỹ thuật giúp kiểm tra chip có gặp phải sai hỏng trong quá trình sản xuất một cách đầy đủ và nhanh chóng bằng cách chủ động đưa thêm vào các mạch logic dùng cho việc test. Không có DFT, chip vẫn có thể được kiểm tra thông qua đo đạc và chạy các test chức năng (fucntion test) trên chip nhưng thời gian test rất lâu và không đảm bảo toàn bộ chip được test đầy đủ (coverage thấp). Tuy nhiên, việc áp dụng kỹ thuật DFT sẽ làm kích thước chip lớn hơn do phải thêm các logic phục vụ việc test. Nên việc cân bằng giữa quy mô mạch logic thêm vào và hiệu quả (thời gian test và tỷ lệ coverage) cũng là công việc rất quan trọng.
      – Kiến thức về phần mềm: Đối với Back-End Designer việc hiểu, cấu hình đúng phần mền; thiết lập các constraint đúng và đủ là rất quan trọng vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng của bản thiết kế Back-end như netlist, Layout ./.

    • #655
      Nguyễn Thanh Yên
      Quản trị
      • Topics : 16
      • Contributions : 54
      • Staff Contributor
      • ★★★★
      Up
      0
      Down
      ::

      – Kỹ Sư Bố Trí Vật Lý và Đảm Bảo Tuân Thủ Các Yêu Cầu Của Nhà Máy Sản Xuât (Physical Design – PD)

      Công việc chính của kỹ sư là: tìm hiểu nắm vững kiến trúc chip và các ràng buộc về bố trí vật lý, hình học của chip trong toàn bộ chu trình thiết kế; thực hiện sơ đồ sắp xếp các khối mạch, sơ đồ phân bố lưới các lớp vật liệu kim loại để cấp nguồn và làm việc với các công cụ hỗ trợ để thực thi các kết nối vật lý nhằm đáp ứng được yêu cầu về hiệu suất, diện tích và timing của thiết kế; thực hiện các yêu cầu thay đổi kỹ thuật (ECO – engineering change order) để hoàn thiện thiết kế; thực thi các bước kiểm tra đảm bảo kết nối vật lý đúng với kết nối của mạch nguyên lý và layout tuân thủ các yêu cầu của công nghệ sản xuất: DRC, DFM, EM, PERC …

       

      • Phản hồi này đã được điều chỉnh 8 months, 1 week trước bởi Nguyễn Thanh Yên.
      • Phản hồi này đã được điều chỉnh 8 months, 1 week trước bởi Nguyễn Thanh Yên.
      • Phản hồi này đã được điều chỉnh 8 months, 1 week trước bởi Nguyễn Thanh Yên.
      • Phản hồi này đã được điều chỉnh 8 months, 1 week trước bởi Nguyễn Thanh Yên.
    • #654
      Nguyễn Thanh Yên
      Quản trị
      • Topics : 16
      • Contributions : 54
      • Staff Contributor
      • ★★★★
      Up
      0
      Down
      ::

      – Kỹ Sư Tổng Hợp và Đảm Bảo Timing Vi Mạch Số (Physical Implementation – PI)

      Công việc chính của kỹ sư là: đọc hiểu những yêu cầu thiết kế như độ dự phòng của đáp ứng thời gian (timing margin), các quy tắc sử dụng tài nguyên thư viện (cell type, prohibit cell, threshold votage..), các quy tắc vận hành công cụ EDA cho tiến trình công nghệ cụ thể đang được áp dụng (recomended settings); xây dụng môi trường thực thi synthesis và môi trường STA; đánh giá và phân tích các báo cáo xuất ra về các ràng buộc của thiết kế (PPA) và timing rồi đưa ra cách giải quyết để đạt được yêu cầu của thiết kế; và đảm bảo tính tương đồng với RTL về chức năng logic (Logic Equivalence Check.)

    • #653
      Nguyễn Thanh Yên
      Quản trị
      • Topics : 16
      • Contributions : 54
      • Staff Contributor
      • ★★★★
      Up
      0
      Down
      ::

      – Kỹ Sư Thiết Kế Chức Năng Có Thể Kiểm Tra Vi Mạch Số Sau Sản Xuất (Design For Test – DFT)

      Công việc chính của kỹ sư là: đề xuất phương pháp kiểm tra thiết kết và triển khai thực thiện xây dựng môi trường đề chèn các mạch DFT vào Gate Level Design và đảm bảo các vấn đề về Fault/Test coverage đáp ứng yêu cầu từ nhà sản xuất; xây dựng mội trường kiểm tra và thực hiện kiểm tra chức năng logic của mạch DFT sau khi triển khai. Đảm bảo chức năng của mạch DFT là đúng với thiết kế và đảm bảo chức năng chính (user mode) của Gate Level Netlist là không bị ảnh hưởng bởi quá trình chèn mạch DFT. (Logic Equivalent Check.)

    • #651
      Nguyễn Thanh Yên
      Quản trị
      • Topics : 16
      • Contributions : 54
      • Staff Contributor
      • ★★★★
      Up
      0
      Down
      ::

      – Kỹ Sư Kiểm Tra Vi Mạch Số Trước Sản Xuất (Design Verification – DV)

      Công việc chính của kỹ sư là: nghiên cứu yêu cầu của các chức năng mạch số, xác định những kịch bản kiểm tra cơ bản mạch số (test plan); thực hiện xây dựng môi trường kiểm tra, thực hiện các kịch bản kiểm tra, phân tích báo cáo các lỗi chưa đúng của mạch số; và phân tích báo cáo coverage, hỗ trợ sửa lỗi thiết kế.

    • #650
      Nguyễn Thanh Yên
      Quản trị
      • Topics : 16
      • Contributions : 54
      • Staff Contributor
      • ★★★★
      Up
      0
      Down
      ::

      – Kỹ Sư Thiết Kế Vi Mạch Số (Register Transfer Level – RTL Design)

      Công việc chính của kỹ sư là: nghiên cứu yêu cầu của các chức năng mạch số, mô tả chức năng mạch số dưới dạng sơ đồ khối, sơ đồ trạng thái, sơ đồ luồng dữ liệu, biểu đồ thời gian…; viết code mức RTL của mạch số, thực hiện mô phỏng đảm bảo chức năng mạch điện số; và thực hiện các kiểm tra Equivalence cheching, CDC, Lint check.

    • #646
      Nguyễn Thanh Yên
      Quản trị
      • Topics : 16
      • Contributions : 54
      • Staff Contributor
      • ★★★★
      Up
      0
      Down
      ::

      – Kỹ Sư Layout Vi Mạch Tương Tự (Analog Integrated Circuit Layout)

      Công việc chính của kỹ sư là: xây dựng và thực thi các phương án thiết kế layout dựa trên mạch nguyên lý và các qui tắc, yêu cầu kỹ thuật của công nghệ từ mức transistor đến mức chip; kiểm tra, đánh giá đảm bảo kết nối vật lý đúng với kết nối của mạch nguyên lý và layout đúng với kết chất lượng đầu ra: diện tích, dây bonding, sự tuân thủ các yêu cầu của công nghệ sản xuất: DRC, DFM, EM, PERC …

       

       

      • Phản hồi này đã được điều chỉnh 8 months, 1 week trước bởi Nguyễn Thanh Yên.
      • Phản hồi này đã được điều chỉnh 8 months, 1 week trước bởi Nguyễn Thanh Yên.
      • Phản hồi này đã được điều chỉnh 7 months trước bởi Nguyễn Thanh Yên.
      • Phản hồi này đã được điều chỉnh 7 months trước bởi Nguyễn Thanh Yên.
      • Phản hồi này đã được điều chỉnh 7 months trước bởi Nguyễn Thanh Yên.
    • #645
      Nguyễn Thanh Yên
      Quản trị
      • Topics : 16
      • Contributions : 54
      • Staff Contributor
      • ★★★★
      Up
      0
      Down
      ::

      – Kỹ Sư Thiết Kế Vi Mạch Tương Tự (Analog Integrated Circuit Design)

      Công việc chính của kỹ sư là: thiết kế, tạo ra các bản vẽ mô tả mạch điện mức transistor và chạy mô phỏng mạch điện; tạo tài liệu thông số kỹ thuật chi tiết; đo đạc, kiểm tra, tìm phân tích và sửa lỗi trên chip.

      • Phản hồi này đã được điều chỉnh 8 months, 1 week trước bởi Nguyễn Thanh Yên.
    • #638
      Nguyễn Thanh Yên
      Quản trị
      • Topics : 16
      • Contributions : 54
      • Staff Contributor
      • ★★★★
      Up
      0
      Down
      ::

      [THÂN GỬI 50K BẠN SẼ LÀ ĐỒNG NGHIỆP NĂM 2030]
      Chắc hẳn một số bạn vẫn đang hoang mang khi nghĩ rằng hô hào 50K kỹ sư vi mạch vào năm 2030 là một chiến dịch úp bô thần thánh, nào là hãy coi vụ nhà máy điện nguyên tử trước đây mà xem … Ừ thì úp bô, ừ thì cái gì chả có sai nhưng không làm thì còn chả có gì để mà nói là úp bô hay để mà sai.
      Các Anh Chị hiện đang là kỹ sư vi mạch thì ổn rồi, ít nhất cũng có việc làm, có lương hàng tháng có cơ hội đi đây đi đó, công ty nhỡ phá sản thì nhoằng phát lại có việc ngay … nói gì chả đúng, vấn đề là các bạn học xong mà không có việc thì sao? Thử nghĩ thêm tí nhé.
      Đầu tiên là tại sao lại hô 50K kỹ sư (giờ hình như là 100K kỹ sư rồi). Sự thật là vi mạch chúng ta (VN) chả có gì, nhà máy không, chip VN cũng không nốt. Nếu là nhà máy thì máy móc là chủ yếu, thích thì bê đến không thích thì bê đi. VN có thể ghi tên tuổi là nơi xuất khẩu nhiều nhất nhưng thử hỏi cái Tổ Quốc có được sẽ là gì? Nếu thay vì nhà máy mà là con người, là kỹ sư thì sao? Sau một thời gian HỌ có bê kỹ sư đi được không, chán họ có thể đi nhưng kỹ sư thì còn đến vài chục năm, người ở đâu thì công nghệ sẽ ở đấy, không có 50K kỹ sư thì làm sao có 50, 500 cty fabless, có chip của người Việt chứ. Vậy nên đã không hô thì thôi hô hẳn 50K thì mới ra tấm ra món. Chả phải VN giờ ghi tên trên bản đồ dịch vụ IT thế giới, rồi 1 triệu kỹ sư IT chả phải trước đấy cũng là hô đấy sao, lúc đấy có ai nghĩ làm sao đủ việc làm cho 1 triệu người đâu.
      Rồi, thế quay lại là bọn em học xong có việc làm không?
      Câu trả lời là chắc chắn có nhưng các bạn là người chủ động kiếm việc chứ không phải học xong có người mang việc đến cho các bạn. Kế hoạch hay đến mấy nhưng quan trọng người làm là ai. Không ai khác, 50K các bạn chính là người làm, người chủ của kế hoạch 50K kỹ sư vào năm 2030.
      Chip là ngành có tốc độ thay đổi nhanh khủng khiếp, thế hệ các anh các chị làm chip khác, thế hệ bọn em làm chip khác, thế hệ 2K10 làm chip cũng sẽ khác. Trên thế giới chưa có ngành nào dám tuyên bố sản phẩm sẽ có “mật độ tích hợp sẽ tăng gấp đôi sau mỗi 18 tháng”. Đằng sau tuyên bố đấy là biết bao sức lao động, là những bước phát triển vô cùng thần kỳ từ công nghệ vật liệu, công nghệ chế tạo cơ khí, kỹ thuật vận hành máy móc, kỹ thuật thiết kế, phát triển phần mềm chuyên dụng, phát triển giải pháp, vân vân và mây mây…. sẽ không một cá nhân, một nhóm người, một tổ chức, một quốc gia có thể tự hào vỗ ngực tôi làm được tất. Ngành này có hai thứ không thể tách rời: (1) là hợp tác cùng nhau làm việc đa quốc gia, lu mờ mọi thứ gọi là biên giới; (2) là hệ sinh thái sản phẩm ứng dụng điện tử, thậm chí cả phần mềm.
      Vậy nên giờ đây thay vì vỗ ngực khoe chip này do TÔI làm ra đấy thì sẽ khoe chip này là do CHÚNG TÔI làm ra đấy. Chip sẽ ngày càng phức tạp, tiêu tốn nhiều tiền hơn nhưng nguyên tắc bất di bất dịch của lĩnh vực này là muốn làm ông trời gì thì giá thành trên một bóng bán dẫn phải ngày càng rẻ đi. Không tự nhiên mà cát, nguyên tố nhiều thứ hai trên trái đất sau oxy được sử dụng, không tự nhiên mà các nhà máy được chuyển dịch sang Châu Á, và cũng không tự nhiên mà kỹ sư Châu Á đang ngày càng có vai trò quan trọng. Cơ hội việc làm là cơ hội toàn cầu. Cơ hội của 50K các bạn là có một không hai. Khác chúng tôi, sân chơi của các bạn là sân chơi toàn cầu.
      Vậy câu hỏi chính xác là thế bọn em phải làm thế nào?
      – Học đàng hoàng, học không chỉ vì điểm số mà học để hiểu và nắm được bản chất. Tài liệu đầy, các anh các chị đầy ra, quan trọng các bạn có biết hỏi hay không. Thay vì hỏi em có nên theo không thì hỏi sao em vẽ mạch thế này mà nó không chạy nhỉ?
      – Học ngoại ngữ, không phải học chỉ để lấy được bằng tốt nghiệp mà còn vì không có nó thì không xin được việc làm đâu. Công việc là toàn cầu nhưng nó không phải vô tận, mình không những cạnh tranh công việc với bạn bè bên cạnh mình mà phải cạnh tranh với ông bạn ất ơ nào đó ở TQ, ở Ấn Độ, ở Malaysia, …
      Cuối cùng, các bạn học vi mạch tử tế, các bạn ra trường có thể làm được nhiều ngành, ví dụ điện tử, viễn thông, thậm chí là cả lập trình phần mềm. Giờ học IT cạnh tranh được một suất học cũng sứt đầu mẻ trán chứ sắp tới phi sang học vi mạch có khi còn được mời, vớ vẩn còn có học bổng. Nên cứ học đi, sau này chỗ nào lương cao thì ta chơi, quan trọng nhất các bạn là người chủ động, không việc gì phải phụ thuộc bố con thằng nào đưa việc cho, thế nhỉ.

      Vi mạch cố lên ..!!!

      Thân mến,

Đang xem 14 luồng phản hồi

Cộng Đồng Vi Mạch

You can find many knowledge and topic relating to semiconductor from front-end design, back-end design, and also software development.

台灣使蒂諾斯購買

失眠困擾著很多人,長期失眠會對身體造成危害,官網https://www.stilnoxs.com/,線上訂購使蒂諾斯,隱私包裝快速出貨。

失眠多夢可以服用使蒂諾斯安眠藥,線上訂購https://www.stilnoxs.com/product/16,線上訂購無需處分,24h快速出貨。