Home » TechPress » Đi tìm nguyên nhân tình trạng thiếu hụt chip toàn cầu và cơ hội cho ngành điện tử bán dẫn Việt Nam

Đi tìm nguyên nhân tình trạng thiếu hụt chip toàn cầu và cơ hội cho ngành điện tử bán dẫn Việt Nam

Tình trạng thiếu hụt chip toàn cầu “nóng” lên trong thời gian gần đây. Nó ảnh hưởng tiêu cực đến hầu hết các lĩnh vực sản xuất thiết bị điện tử, ngay cả lĩnh vực sản xuất ô tô, lĩnh vực vốn chỉ chiếm khoảng 9% nhu cầu tiêu thụ chip toàn cầu cũng đã bị ảnh hưởng trực tiếp. Sự thiếu hụt này nghiêm trọng tới mức đích thân Tổng thống Mỹ Joe Biden đã phải ra thông báo cam kết có hành động thúc đẩy tăng sản lượng sản xuất chip.

Đi tìm nguyên nhân tình trạng thiếu hụt chip toàn cầu và cơ hội cho ngành điện tử bán dẫn Việt Nam
Ảnh minh hoạ (Nguồn: indiatimes.com)

Đâu là nguyên nhân của sự thiếu hụt

Các nhà máy sản xuất chip vi mạch bán dẫn đang phải vật lộn chạy hết công suất để đáp ứng kịp các đơn đặt hàng, vậy đâu là nguyên nhân thực sự dẫn tới tình trạng thiếu hụt này. Rất nhiều phân tích đã chỉ ra rằng đại dịch COVID-19 và chiến tranh thương mại Mỹ – Trung là nguyên nhân của tình trạng này, tuy nhiên, chúng ta hãy cùng nhìn nhận vấn đề ở một khía cạnh khác.

Theo đánh giá, tình trạng này đến từ việc các nhà sản xuất chip bán dẫn đã có những phản ứng khá thận trọng đối với tính chu kỳ biến động của ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, do đó họ không kịp phản ứng với yếu tố bất ngờ của đại dịch toàn cầu COVID-19 cũng như sự leo thang của chiến tranh thương mại Mỹ – Trung.

Theo báo cáo của IC Insights vào tháng 6/2019, chu kỳ sụt giảm của lĩnh vực vi mạch bán dẫn được dự đoán sẽ diễn ra trong hai năm là 2019 và 2020, được minh họa rõ trong biểu đồ dưới đây.

Đi tìm nguyên nhân tình trạng thiếu hụt chip toàn cầu và cơ hội cho ngành điện tử bán dẫn Việt Nam - Ảnh 1.

Theo số liệu từ năm 1983 cho thấy, mỗi khi mức chi tiêu vốn hàng năm cho ngành bán dẫn sụt giảm với tốc độ hai chữ số thì sẽ chứng kiến mức tăng chi tiêu ít nhất 45% trong hai năm sau đó. Tính chu kỳ này lặp lại rất chính xác trong quá khứ, điều đó có thể dẫn tới là các nhà sản xuất chip bán dẫn đã có sẵn những chuẩn bị cho các hành động rất thận trọng (cắt giảm chi tiêu vốn) từ trước năm 2019, nhằm thoát khỏi tình trạng suy thoái, duy trì kết quả kinh doanh tốt trong khoảng vài quý trước khi bước vào giai đoạn tăng vốn đáng kế sau đó, được dự báo bắt đầu từ năm 2022.

Và vấn đề là khi đại dịch toàn cầu ập đến, nhu cầu sử dụng các thiết bị điện tử trong nhà phục vụ cho làm việc từ xa tăng lên cùng sự bùng nổ của công nghệ 5G, trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data) dẫn tới nhu cầu nguồn cung chip phục vụ các đơn đặt hàng sản xuất thiết bị điện tử tăng cao. Một điểm không thể không nói tới cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, trong đó Mỹ hạn chế Trung Quốc tiếp cận nguồn cung chip dẫn tới sự tích trữ nhiều hơn bình thường của các nhà sản xuất thiết bị điện tử. Tất cả xảy đến gần như cùng lúc làm cho các nhà sản xuất bán dẫn rơi vào tình thế phản ứng hoàn toàn bị động vì họ không hề có kịch bản chuẩn bị sẵn để đối phó với sự đứt gãy đột ngột trong chuỗi cung ứng chip toàn cầu.

Như vậy, đại dịch COVID-19 và chiến tranh thương mại Mỹ – Trung xảy ra đồng thời với dự báo thời kỳ suy thoái của ngành công nghiệp bán dẫn là nguyên nhân gây ra trình trạng thiếu hụt nghiêm trọng chip bán dẫn trên toàn cầu như những gì chúng ta thấy trong thời gian vừa qua.

Lĩnh vực bán dẫn sẽ tăng trưởng vững chắc trong 3 – 4 năm tới?

Vậy câu hỏi đặt ra là lĩnh vực bán dẫn liệu đã thực sự ra khỏi thời kỳ suy thoái và bước vào thời kỳ tăng trưởng vững chắc trong 3 – 4 năm tới? Có nhiều chỉ dấu cho thấy điều này.

Theo Hiệp hội công nghiệp bán dẫn (SIA) doanh số bán dẫn tiếp tục tăng hàng tháng. Theo tổ chức thống kê thương mại bán dẫn toàn cầu (WSTS), dự báo doanh số bán hàng trên toàn thế giới của ngành sẽ là 527,2 tỷ USD vào năm 2021, tăng 19,7% so với tổng doanh số năm 2020. Tất cả các thị trường đều cho thấy sự tăng trưởng này: Châu Á – Thái Bình Dương (23,5%), châu Âu (21,1%), Nhật Bản (12,7%) và châu Mỹ (11,1%).

Đi tìm nguyên nhân tình trạng thiếu hụt chip toàn cầu và cơ hội cho ngành điện tử bán dẫn Việt Nam - Ảnh 2.

Loài người đang bước những bước chân đầu tiên vào kỷ nguyên dữ liệu lớn (data-era), sự tăng trưởng của lĩnh vực bán dẫn sẽ được đảm bảo bởi sự gia tăng của những tiến bộ công nghệ mới như xe tự hành, phân tích dữ liệu lớn, truyền thông không dây 5G, điện toán đám mây và Internet kế nối vạn vật (IoT).

Việt Nam cần làm gì để tận dụng cơ hội?

Câu hỏi tiếp theo được đặt ra là Việt Nam đang có lợi thế gì và Việt Nam sẽ cần phải làm gì để tận dụng cơ hội này?

Rõ ràng là cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung vẫn còn đang phủ bóng đen lên tương lai của lĩnh vực vi mạch bán dẫn nhưng mức độ tăng trưởng về dài hạn của lĩnh vực bán dẫn là câu chuyện không có gì phải bàn cãi. Việt Nam với quyết tâm và chiến lược tham gia vào cuộc chơi nền kinh tế số thì bán dẫn vi mạch là một lĩnh vực không thể né tránh. Theo đó đây chính là cơ hội để Việt Nam tham gia lĩnh vực đầy tiềm năng này.

Từ những năm cuối thập kỷ 1980, thế kỷ trước, Việt Nam đã có có một nhà máy sản xuất transistor (Z181) nhưng sau đó do biến động chính trị khối XHCN, nhà máy này không còn hoạt động trong lĩnh vực sản xuất bán dẫn nữa. Tuy nhiên, ở Việt Nam vẫn còn có một số cơ sở có trang bị phòng sạch (clean room) có máy móc trang thiết bị ở quy mô mức phòng thí nghiệm đủ để sản xuất chip vi mạch với công nghệ màng mỏng (plana technology). Đây là điều kiện khá thuận lợi cho việc hợp tác nghiên cứu chuyển giao công nghệ, hay đào tạo nhân lực cho việc có một nhà máy sản xuất bán dẫn ở Việt Nam.

Kịch bản có thể là một dự án đầu tư chuyển giao một nhà máy sản xuất chip ở tiến trình công nghệ (process node) cũ đang chạy ổn định nhưng không còn lợi thế về lợi nhuận do đã tối ưu hết cỡ về chi phí sản xuất ở nước ngoài. Khi chuyển về Việt Nam thì nhà máy này vẫn duy trì tiếp sự đóng góp của nó trong chuỗi cung ứng sẵn có và có thêm điều kiện để tối ưu chi phí, nhằm tăng tính cạnh tranh về giá và lợi nhuận của sản phẩm đầu ra. Ngoài ra, nó còn giúp tập trung nguồn lực đầu tư cho tiến trình công nghệ tiên tiến hơn của họ.

Đối với Việt Nam, khi được chuyển giao một nhà máy, kể cả với tiến trình công nghệ cũ thì quy trình sản xuất tự động hóa trong nhà máy sản xuất bán dẫn cũng là môi trường rất tốt để thúc đẩy nhanh hơn quá trình chuyển đổi lên thế hệ sản xuất thế hệ tiếp theo, công nghiệp 4.0 cho những nhà máy ở Việt Nam trong tương lai.

Tiếp theo là vấn đề nhân lực. Lĩnh vực bán dẫn vi mạch ở Việt Nam trong hơn 20 năm qua chủ yếu tập trung ở khâu thiết kế chip, do đó đội ngũ nhân lực cũng chủ yếu là nằm ở khâu thiết kế chip. Theo ước lượng, hiện nay Việt Nam có khoảng 5000 kỹ sư, có thể đảm nhận công việc ở tất cả các mảng việc của khâu thiết kế chip. Trong đó phân bố nhân lực nhiều nhất tại TP. HCM (85%), sau đó là Đà Nẵng (9%) và Hà Nội (6%).

Nguồn nhân lực này chủ yếu làm việc cho các công ty tổ chức nước ngoài, chỉ một phần rất nhỏ đang làm việc cho công ty trong nước, các cơ sở nghiên cứu, đào tạo của nhà nước. Do đó, tăng cường quảng bá thu hút học sinh sinh viên tham gia học tập nghiên cứu về bán dẫn sẽ đảm bảo nguồn cung cho đội ngũ nhân lực trong lĩnh vực thiết kế vi mạch. Đây có thể nói là điểm rất mấu chốt để tiếp tục thu hút các công ty, tập đoàn nước ngoài quyết định lựa chọn Việt Nam là một trong những địa điểm cho việc thành lập các các cơ sở R&D ở nước ngoài của họ.

Đi tìm nguyên nhân tình trạng thiếu hụt chip toàn cầu và cơ hội cho ngành điện tử bán dẫn Việt Nam - Ảnh 4.

Đứng ở khía cạnh quản lý nhà nước, thuế là công cụ hữu hiệu nhất để thu hút sự đầu tư cho một lĩnh vực cụ thể nào đó. Hiện nay các doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao đang được hưởng ưu đãi cao nhất về thuế thu nhập DN của chính phủ Việt Nam. Theo luật Công nghệ cao và vi mạch là sản phẩm nằm trong danh mục những sản phẩm ưu tiên quốc gia, các nhà máy sản xuất vi mạch sẽ được miễn thuế thu nhập DN 4 năm đầu tiên, giảm 50% trong 9 năm tiếp theo và giảm 10% trong suốt dòng đời còn lại.

Tuy nhiên ở lĩnh vực thiết kế vi mạch thì các công ty chủ yếu hoạt động theo hình thức mở văn phòng thiết kế, thuê kỹ sư Việt Nam và trả lương hàng tháng để làm việc cho họ, về cơ bản hoạt động này sẽ không có phát sinh lãi. Do đó, ưu đãi hiện nay về thuế thu nhập DN khó có thể tạo ra sức hấp dẫn đặc biệt. Theo đó, nên chăng nhà nước có thêm chính sách ưu đãi về thuế thu nhập cá nhân đối với chuyên gia làm việc lâu dài trong lĩnh vực bán dẫn vi mạch. Điều này sẽ giúp thu hút thêm các chuyên gia nước ngoài chuyển tới làm việc ở Việt Nam, tăng tính cạnh tranh của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư hoạt động trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn trên thế giới.

Để kết thúc bài viết, có thể nhận định rằng xu thế trí tuệ nhân tạo (AI), bài toán xử lý dữ liệu lớn, công nghệ truyền thông thế hệ mới, kết nối vạn vật và sự đầu tư mạnh mẽ của các công ty sản xuất vi mạch bán dẫn hiện nay là cơ hội rất tốt để Việt Nam gia tăng thu hút sự đầu tư từ nước ngoài vào lĩnh vực sản xuất điện tử bán dẫn. Và đây cũng là cơ hội để thúc đẩy sự phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn, đặc biệt Hà Nội còn rất nhiều dư địa cho sự tăng trưởng nhân lực thiết kế chip vi mạch. Việt Nam cần làm gì? Sẽ tiếp tục là câu hỏi mở cho các nhà hoạch định chính sách và cả cộng đồng những người làm việc trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn ở Việt Nam để tìm ra câu trả lời thỏa đáng.

Nguồn: Tạp chí TT&TT (ictvietnam.vn)

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Cộng Đồng Vi Mạch

You can find many knowledge and topic relating to semiconductor from front-end design, back-end design, and also software development.

台灣使蒂諾斯購買

失眠困擾著很多人,長期失眠會對身體造成危害,官網https://www.stilnoxs.com/,線上訂購使蒂諾斯,隱私包裝快速出貨。

失眠多夢可以服用使蒂諾斯安眠藥,線上訂購https://www.stilnoxs.com/product/16,線上訂購無需處分,24h快速出貨。